Các hình thức tín dụng đen lừa đảo

Đối với nhiều người, “tín dụng đen” đơn giản chỉ là cho vay nặng lãi, tuy nhiên, khi nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành cho thấy, hoạt động “tín dụng đen” không chỉ đơn giản như vậy. Về mặt pháp lý thì chưa có khái niệm thế nào là “tín dụng đen” nhưng có thể hiểu đó là hoạt động cho vay vốn bất hợp pháp, không phù hợp với các quy định của pháp luật. Có thể dễ dàng nhận thấy các biểu hiện và hình thức của hoạt động “tín dụng đen”.

Nhận diện các hình thức tín dụng đen lừa đảo

Thứ nhất: hình thức cho vay hiện nay đã được các chủ nợ biến tướng bằng việc soạn thảo các bản hợp đồng, giao dịch vay tiền thường và ký nhận với nội dung giả tạo để che dấu mức lãi suất bất hợp pháp của mình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tạo điều kiện dễ dàng khống chế con nợ.

Thứ hai: cho vay bất chấp mục đích vay của người vay là gì; không hạn chế thời gian vay vì lãi được tính theo ngày; có thể trả lãi 10 ngày/lần hoặc 01 tháng/lần hoặc theo thỏa thuận; tiền lãi kỳ đầu được khấu trừ ngay vào lần vay đầu tiên.

tín dụng đen cho vay tín chấp
Tín dụng đen cho vay tín chấp

Thứ ba: không cần giữ tài sản thế chấp khi vay nhưng chủ nợ thường sẽ ghi trong hợp đồng vay nội dung: Quá thời hạn trả nợ nếu bên vay không trả được nợ thì bên cho vay có quyền thu hồi nhà, đất, tài sản của bên vay.

Bốn là: không ghi mức lãi vay và mục đích vay đều được ghi thể hiện ở một số nội dung bình thường và chung chung như: để giải quyết công việc gia đình, để lấy tiền ăn học cho con; để chữa bệnh, để làm ăn, để đáo nợ, để xin việc…Các khoản vay được tách nhỏ (10, 20, 30… triệu đồng) ở các thời điểm khác nhau; mỗi lần vay, bên cho vay chỉ lập 01 giấy cho vay do bên cho vay giữ. Quá trình trả nợ, do lãi suất lớn nên người vay không trả được lãi thì các chủ nợ bắt đầu có các hoạt động biến tướng tinh vi hơn là:

  • Trực tiếp hoặc dùng số đối tượng “xã hội đen”; tổ chức đòi nợ chuyên nghiệp cho người đe dọa; đánh đập hoặc tuy không đánh đập nhưng cho những đối tượng xăm trổ hung hãn mang theo băng rôn đòi nợ đến nhà riêng, nhà bố mẹ anh em, cơ quan, đơn vị của người vay tiền để gây áp lực trả nợ…
  • Thực tế thời gian qua cho thấy: Phần lớn người đi vay khi không có khả năng thanh toán gốc và lãi đều bỏ trốn khỏi địa phương để trốn nợ. Khi đó, các chủ nợ bắt đầu gửi đơn đến cơ quan điều tra để tố cáo người vay tiền lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khi cơ quan điều tra tiến hành giám định các hợp đồng vay tiền thì chữ ký, điểm chỉ đều đúng là của người đi vay tiền. Lúc này, từ sự việc cho vay tiền bất hợp pháp ban đầu đã bị chuyển hóa thành vụ án hình sự và cơ quan tiến hành tố tụng rất khó khăn trong việc chứng minh để vạch trần thủ đoạn của đối tượng cho vay lãi. Cá biệt có một số người vay tiền khi bị chủ nợ ép buộc trả nợ nhiều lần, sợ cơ quan, đơn vị và gia đình biết nên đã tự tử để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Cho vay nặng lãi núp bóng P2P Lending

Đáng chú ý là hiện nay, nhiều website hay app cho vay trực tuyến đang hoạt động dựa trên mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending). Theo Ngân hàng Nhà nước “bản chất của vay ngang hàng, vay online là dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa. Mục đích loại hình cho vay này thường tập trung vào cho vay mua nhà, ô tô; tái cho vay thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cho vay khởi nghiệp… Tuy nhiên có không ít cá nhân, tổ chức cho vay nặng lãi đang núp bóng P2P Lending để cho vay với lãi suất cắt cổ, kéo theo cách thức đòi nợ cũng mang đậm tính chất “xã hội đen”

Tín dụng đen qua app

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các hoạt động cho vay trực tuyến (vay online) đang phát triển rầm rộ qua các ứng dụng di động (app) hay các website với nhiều quảng cáo về thủ tục vay đơn giản, lãi suất vay luôn dưới 20%/năm, tức là dưới mức bị liệt là cho vay nặng lãi. Đến khi vay rồi thì hàng loạt các chi phí phát sinh đổ lên người vay dẫn tới mức lãi suất khủng khiếp. Đã có trường hợp, tin vào lời quảng cáo vay tiền 0% lãi suất, 0% phí tư vấn, giải ngân nhanh dưới 30 phút… nên người vay đã truy cập và điền đầy đủ các thông tin vào một website vay trực tuyến để vay 02 triệu đồng trong vòng 20 ngày. Hồ sơ vay nhanh chóng được duyệt qua ít phút. Sau khi người vay cung cấp ảnh chụp thẻ căn cước công dân và truy cập đường link dẫn đến trang facebook cá nhân thì tài khoản báo có 1.400.000 đồng; số tiền 600.000 đồng còn lại được bên cho vay giải thích là phí quản lý vay, phí hồ sơ, tiền lãi và nhiều khoản chi phí khác. Như vậy, với mỗi ngày vay tiền qua website này, người vay đã mất phí 30.000 đồng/ngày; so với mức thực vay được là 1.400.000 đồng thì người vay đang phải chịu lãi suất lên đến 64%/tháng.

Cách tránh bẫy tín dụng đen

Cách tránh bẫy tín dụng đen

Thứ nhất, mỗi người lao động cần nâng cao sự hiểu biết về thời sự an ninh, về những nguy cơ, hiểm họa từ tín dụng đen. 

Thứ hai, người lao động cần tiết chế sinh hoạt, tránh việc đẩy bản thân vào tình trạng túng quẫn về tài chính. Người lao động cần điều chỉnh mức chi tiêu tương xứng với mức thu nhập. Đây là giải pháp căn cơ, phòng ngừa sa vào tín dụng đen. 

“Khi rơi vào tình thế buộc phải vay trên các ứng dụng, mỗi người cần phải kiểm tra thật kĩ ứng dụng cho vay có uy tín hay không? Hãy tìm đến tổ chức, doanh nghiệp cho vay có uy tín. Đặc biệt, người lao động cần hết sức lưu ý nếu lãi suất vay cao hơn 20%/năm lãi suất ngân hàng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật”

Để phòng ngừa và đấu tranh quyết liệt với những hoạt động của “tín dụng đen” trong đời sống và xã hội; cùng với việc các cơ quan tiến hành tố tụng cần làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng… đồng thời cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho các hoạt động cho vay, thế chấp, cầm cố tài sản… thì mỗi người dân cũng cần phải tỉnh táo trước khi quyết định tham gia vào các dịch vụ vay, mượn, huy động tiền trái quy định của pháp luật để tránh những hệ lụy tiêu cực xảy ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *