Fintech Việt Nam và áp lực sinh tồn hậu Covid-19

Theo báo cáo mới đây của Fintech News Singapore, các doanh nghiệp Fintech Việt Nam đã tăng nhanh về số lượng. Fintech là một trong số ít những lĩnh vực hưởng lợi từ đại dịch Covid-19, nhưng khi có vắc-xin Covid-19, các Fintech sẽ cần nỗ lực hơn để tồn tại.

Tích cực trong đại dịch

Cơn sốt đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Fintech được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ kỹ thuật số. Bên cạnh đó trong bối cảnh lãi suất thấp, các nhà đầu tư cũng ngày càng rót vốn vào các tài sản công nghệ rủi ro. Ngoài ra, thị trường chứng khoán bùng nổ cũng tác động tích cực đến các đợt IPO của các công ty Fintech.

Bất chấp đại dịch Covid-19 đang hoành hành, các công ty khởi nghiệp Fintech đang gây quỹ nhiều hơn bao giờ hết với mức định giá rất cao. Chẳng hạn như Robinhood- ứng dụng giao dịch chứng khoán, đã thu về 1,25 tỷ USD trong năm 2020, đạt mức định giá 11,7 tỷ USD. Tương tự như vậy, trong năm 2020, các ngân hàng số như Chime, Varo, MoneyLion… đã thu được hàng triệu người dùng mới….

Sở dĩ các fintech phát triển mạnh do: Thứ nhất, đại dịch khiến người dân phải sử dụng các công nghệ thanh toán điện tử, thay vì phương thức thanh toán truyền thống do các hạn chế tiếp xúc.

Thứ hai, trong bất kỳ thời điểm kinh tế bất ổn nào, người tiêu dùng và doanh nghiệp trở nên quan tâm hơn đến chi phí. Các công ty khởi nghiệp Fintech đã có thể tận dụng những đổi mới công nghệ của họ để cung cấp cho người dùng những dịch vụ rẻ hơn với trải nghiệm khách hàng được cải tiến, phù hợp với nhu cầu…

Thứ ba, trong bối cảnh đại dịch bùng phát, các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang các công ty khởi nghiệp Fintech để xử lý các khoản vay, thanh toán, giao dịch… khi việc giao dịch với các ngân hàng truyền thống mất nhiều thời gian hơn, thậm chí khó tiếp cận tín dụng do doanh nghiệp, người tiêu dùng không đủ điều kiện.Đặc biệt, các ngân hàng cũng tăng cường kết nối với các công ty khởi nghiệp Fintech để phát triển không gian số, tạo thành ngân hàng mở Open API…

Tăng mạnh mảng thanh toán

Báo cáo Vietnam Fintech Report 2020 do Fintech News Singapore thực hiện, cho thấy số lượng các start-up fintech của Việt Nam đã tăng hơn 3 lần trong giai đoạn 2017-2020. Cụ thể, năm 2017 Việt Nam có 44 start-up thì đến nay đã lên đến 118 start-up hoạt động trong lĩnh vực fintech, tăng 179%.

Đáng chú ý, thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm 31% tổng số các start-up fintech. Tính đến tháng 10/2020, Việt Nam có 39 nhà cung cấp dịch vụ thanh toán phi ngân hàng được cấp phép, trong đó 5 ví điện tử lớn nhất là MoMo, Payoo, Moca, ZaloPay và ViettelPay.

Thống kê từ NHNN cho biết tính đến năm 2019, có 4,2 triệu người sử dụng ví điện tử trên tổng số 100 triệu dân của đất nước, ngụ ý rằng mặc dù đây là một lĩnh vực thanh toán trong nước khá đông đúc và có tính cạnh tranh cao, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội phát triển.

Trong khi các công ty khởi nghiệp thanh toán của Việt Nam tiếp tục phát triển và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, thì mức tăng trưởng mạnh nhất đã thực sự được ghi nhận trong hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) và tiền điện tử, blockchain. Hai phân khúc này chứng kiến số lượng công ty khởi nghiệp tăng từ ít hơn 5 công ty trong năm 2017 lên hơn 15 công ty khởi nghiệp vào năm 2020.

Sức ép của các Fintech sau đại dịch

Vietnam Fintech Report 2020 nhận dịnh lĩnh vực fintech Việt Nam chủ yếu bao gồm các công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp với người tiêu dùng, khiến thị trường giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) kém phát triển

Ngoài ra, đại dịch vẫn chưa thể tạo dựng một thói quen sử dụng thanh toán số ở những quốc gia trước đây chưa phát triển mạnh dịch vụ này. Do đó, hậu dịch, không ngoại trừ khả năng người tiêu dùng sẽ quay trở lại sử dụng dịch vụ tài chính truyền thống ở các quốc gia này.

Ông Tạ Thanh Long, CEO của VO247, cũng cho rằng rất khó để đại dịch Covid-19 có thể trở thành đòn bẩy để người dân chuyển mạnh sang thanh toán điện tử, nhất là tại thị trường Việt Nam.

“Trong thời điểm hiện tại, người dân có thể có nhu cầu cao sử dụng các công cụ thanh toán điện tử, nhưng để chuyển đổi hoàn toàn hành vi của người dân từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán điện tử là một chặng đường dài đối với doanh nghiệp thanh toán điện tử, doanh nghiệp Fintech. Mặc dù người dân đã nhận thức được lợi ích của thanh toán điện tử, nhưng do thói quen thanh toán tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, nên rất khó chuyển đổi ngay sang thanh toán phi tiền mặt, mà cần quá trình chuyển đổi từ từ”, ông Tạ Thanh Long nhận định.

Xem thêm: Cho vay P2P Việt Nam huy động được 30 triệu đô la

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *