Giảm lãi suất cho vay: mục tiêu chính sách tiền tệ trong 2020 và định hướng 2021

Mục tiêu trên được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định tại cuộc họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2020 và định hướng năm 2021. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh lĩnh vực cho vay bán lẻ, cho vay tiêu dùng cá nhân để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. 

Hãy cùng VO247 tìm hiểu về kế hoạch và mục tiêu về chính sách tiền tệ giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng trong 2020 và 2021

Tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Theo đó, NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng không hạ chuẩn cho vay.

Trước đó, báo cáo tình hình năm 2020 về điều hành lãi suất, NHNN cho biết, tính chung từ đầu năm 2020 đến nay đã có 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5 – 2,0%/năm lãi suất điều hành (là một trong các ngân hàng T.Ư có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực); giảm 0,6 – 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tính đến tháng 11.2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng…

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, bán lẻ

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng “tung ra” các gói cho vay ưu đãi, giảm lãi suất cho vay vào dịp này để kích cầu các khoản vay tiêu dùng, cũng như cân đối các nguồn vốn cho vay. Hiện nay, tại nhiều ngân hàng thương mại, mức lãi suất cho vay tiêu dùng phổ biến ở mức từ 6,5-12%/năm tùy vào kỳ hạn cho vay và những ưu đãi của các ngân hàng, giảm từ 0,5-1% so với những tháng đầu năm nay.

Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Biên Hòa, bên cạnh các khoản vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, các khoản vay tiêu dùng cũng được đẩy mạnh trong thời gian qua với nhiều gói vay vốn ưu đãi phù hợp với nhu cầu và mục đích vay của từng người với các kỳ hạn linh hoạt. Chẳng hạn, khách hàng có thể được vay vốn lãi suất chỉ từ 6%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn có kỳ hạn dưới 6 tháng và chỉ từ 6,5%/năm đối với các khoản vay từ 6-12 tháng. Các mức vay ưu đãi này tùy thuộc vào từng kỳ hạn, mức độ tín dụng của khách hàng khi thẩm định vay vốn…

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) chi nhánh Đồng Nai, hiện nay mức lãi suất về cho vay bán lẻ tại ngân hàng tiếp tục giảm so với những tháng đầu năm nay. Trong đó, lãi suất cho vay mua ô tô vào khoảng 8-8,5%/năm được ưu đãi trong năm đầu tiên, lãi suất cho vay liên quan tới bất động sản bình quân vào khoảng 11,8-12%/năm.

Đại diện một số ngân hàng cho biết, dưới những tác động của dịch Covid-19, mức tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bán lẻ thời gian qua có phần chững lại so với cùng kỳ năm ngoái. Tâm lý của người dân cũng dè dặt, thận trọng hơn đối với các khoản vay tiêu dùng, đầu tư mua nhà, mua ô tô…

Đề xuất mở rộng các gói tín dụng

Từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có nhiều đợt điều chỉnh lãi suất huy động, lãi suất cho vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế… Việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành góp phần giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân, giúp mặt bằng lãi suất trên thị trường có xu hướng giảm, từ đó tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay tiêu dùng, vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là trong những tháng cuối năm sau tác động của dịch Covid-19.

Hiện nay hệ thống cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng khá đa dạng, đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng tăng của người dân. Dư nợ cho vay trong lĩnh vực bán lẻ vẫn đang chiếm tỉ trọng lớn tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Thành Vinh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Đồng Nai cho biết, hiện nay dự nợ cho vay trong lĩnh vực bán lẻ chiếm tỉ trọng khoảng 50% tổng dư nợ cho vay của chi nhánh, đạt mức tăng trưởng khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cho vay ở mảng bán lẻ, các lĩnh vực ưu tiên… Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động kinh doanh của chi nhánh.

Xem thêm: Lãi suất cho vay ngân hàng giảm kỉ lục trong năm 2020

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *