Hệ thống CIC và những điều cần biết về nợ xấu trên CIC

Khi tham gia vay tín chấp, vay tiêu dùng tại ngân hàng, tổ chức tín dụng thì sẽ có một số người không có khả năng trả nợ, dễ rơi vào nợ xấu và được lưu lại trên hệ thống CIC. Vậy CIC, nợ xấu là gì? Và khi bị những vấn đều trên thì có bị làm sao hay không? Bài viết dưới đây VO247 sẽ giới thiệu cho bạn đọc về CIC và nợ xấu, cũng như làm thế nào khi bị dính phải nợ xấu?

Hệ thống CIC là gì? Chức năng và cách thức hoạt động

CIC là viết tắt của từ Credit Information Center hay còn gọi là Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam. Hệ thống CIC là tổ chức sự nghiệp Nhà nước thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hiện hệ thống CIC đang lưu giữ thông tin của hơn 30 triệu khách hàng vay vốn tại Việt Nam.

Chức năng của CIC 

CIC đóng vai trò quan trọng để đảm bảo hạn chế rủi ro tín dụng Quốc gia với chức năng chính sau:

  • Đăng ký thông tin tín dụng quốc gia
  • Thu nhận, xử lý, lưu trữ và phân tích thông tin tín dụng quốc gia
  • Đưa ra cảnh báo, biện pháp để phòng ngừa, hạn chế rủi ro tín dụng
  • Lập các tiêu chí chấm điểm, xếp hạng tín dụng với cá nhân, tổ chức hoạt động trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam để cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng, tổ chức tín dụng
  • Cung cấp sản phẩm về thông tin, xếp hạng tín dụng theo quy định của pháp luật. 

Cách thức hoạt động của hệ thống CIC

Các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ cung cấp cho CIC thông tin về các khoản vay tiền, tên người vay, tổ chức vay và quá trình thanh toán khoản vay đó. Sau đó, hệ thống CIC sẽ tổng hợp chúng thành một cơ sở dữ liệu thống nhất phản ánh lịch sử tín dụng của từng cá nhân/doanh nghiệp.

Trước khi cấp tín dụng cho bất kỳ khách hàng nào thì các tổ chức tín dụng sẽ tra cứu thông tin của khách hàng đó trên CIC xem có nợ xấu hay không. Dựa vào thông tin CIC cung cấp, các tổ chức tín dụng sẽ quyết định có cho khách hàng đó vay vốn hay không. 

Hệ thống CIC lưu giữ những thông tin gì của khách hàng?

Để đưa ra được báo cáo xếp hạng tín dụng chính xác, đầy đủ thì CIC sẽ cần lưu lại những thông tin dưới đây của cá nhân, tổ chức:

  • Số tiền khách hàng đang vay nợ tại các tổ chức tín dụng
  • Mục đích của khoản vay
  • Ngân hàng, tổ chức tín dụng khách hàng đang vay vốn
  • Thời gian vay vốn trong bao lâu
  • Quá trình thanh toán, trả nợ của khách hàng: có trả chậm không, thời gian trả chậm là bao nhiêu ngày.
  • Cá nhân, tổ chức đang thuộc nợ nhóm nào.
  • Tài sản người vay đã thế chấp là gì?

Nợ xấu là gì?

Nợ xấu là những khoản nợ được phân loại từ nợ nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn), nợ nhóm 4 (nghi ngờ) và nợ nhóm 5 (khả năng mất vốn cao). Hay nói cách khác, nợ xấu là các khoản nợ quá hạn trả lãi và/hoặc gốc trên 90 ngày. Căn cứ vào thông tin các ngân hàng, tổ chức tín dụng cung cấp CIC sẽ phân loại khách hàng vào các nhóm nợ phù hợp.

Như vậy nợ xấu được xác định theo 2 yếu tố:

  • Đã quá hạn trên 90 ngày
  • Khả năng trả nợ đáng lo ngại.

=> Đây được coi là định nghĩa của chung trong giới tín dụng chuyên ngành.

Các nhóm nợ xấu trên CIC

Có 5 nhóm nợ xấu, càng nhóm cao thì tỷ lệ vay vốn càng thấp

Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn)

  • Các khoản nợ trong hạn và tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng hạn;
  • Các khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày và tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ gốc và lãi bị quá hạn và thu hồi đầy đủ gốc và lãi đúng thời hạn còn lại.

Nhóm 2 (Nợ cần chú ý) 

  • Các khoản nợ quá hạn từ 10 ngày đến 90 ngày;
  • Các khoản nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu (đối với khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức thì tổ chức tín dụng phải có hồ sơ đánh giá khách hàng về khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và lãi đúng kỳ hạn được điều chỉnh lần đầu).

Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn)

  • Các khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày;
  • Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu, trừ các khoản nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu phân loại vào nhóm 2 theo quy định;
  • Các khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng.

Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ)

  • Các khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày;
  • Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;
  • Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai.

Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn)

  • Các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày;
  • Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;
  • Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai;
  • Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn;
  • Các khoản nợ khoanh, nợ chờ xử lý.

Bị nợ xấu trên CIC có ảnh hưởng gì không?

Khi vay tín chấp (vay tiêu dùng, vay trả góp,…) hay vay thế chấp (vay kinh doanh, vay mua nhà, mua ô tô…) tại Ngân hàng hay Tổ chức tài chính, thì tổ chức tín dụng sẽ cung cấp cho CIC thông tin về các khoản vay, tên người vay, và quá trình thanh toán khoản vay đó. Sau đó, CIC sẽ tổng hợp chúng thành một cơ sở dữ liệu thống nhất phản ánh lịch sử tín dụng của từng cá nhân.

Đối với nợ nhóm 1 và nhóm 2

Nếu được CIC phân loại vào nợ nhóm 1,2 thì bạn vẫn có khả năng vay vốn tại ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên với nợ nhóm 2 thì khả năng vay vốn sẽ hạn chế hơn nợ nhóm 1, đặc biệt là các khoản vay tín chấp.

Đối với nợ nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5

Nếu như bạn rơi vào nợ xấu nhóm 3 đến nhóm 5 thì gần như bạn sẽ không thể vay vốn được ở bất kỳ ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào. Thông tin về các khoản nợ này sẽ được lưu giữ trong vòng 5 năm. Trong khoảng thời gian này bạn sẽ không thể vay vốn được.

Những hành động khiến bạn bị xếp hạng lịch sử tín dụng xấu trên CIC

  • Chậm hoặc không thanh toán tiền vay: thường vài tháng liên tục trở lên
  • Chậm hoặc không thanh toán chi phí sử dụng trong thẻ Credit Card.
  • Mất khả năng thanh toán nợ vay tiền dẫn đến tài sản thế chấp bị xử lý, gán nợ
  • Bị kiện ra toà do không thanh toán nợ với người khác hoặc doanh nghiệp khác

Lời khuyên để không bị xếp hạng tín dụng xấu trên CIC

Trước khi vay trả góp hay vay thế chấp, bạn nên xem trước mình phải trả mỗi tháng là bao nhiêu. Sau khi đánh giá nhu cầu của mình cũng như mức thu nhập hiện tại bạn ấn định mức vay mà chi phí trả nợ mỗi tháng không quá 50% thu nhập để bảo đảm cuộc sống. Khi đó nguồn thu nhập chính của bạn bị gián đoạn hay cắt giảm bạn cũng có thể xoay xở để duy trì được việc trả nợ.

Đừng cố gắng đi vay khi bạn biết rằng lịch sử tín dụng của bạn trong 02 năm gần đây không tốt. Bạn sẽ tốn chi phí “bôi trơn” và thời gian không cần thiết mà vẫn không vay được.

Bài tham khảo: CIC là gì? Rơi vào nợ xấu ngân hàng có vay vốn được không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *