Lãi suất cho vay vẫn có thể giảm

Từ cuối 2020 đến nay mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng giảm mạnh, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng vẫn có thể giảm nữa. Do chính sách tiền tệ trong nước vẫn sẽ được điều hành khá thận trọng, các yếu tố về lạm phát, thanh khoản, lãi suất trái phiếu vẫn đang khá thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước thực hiện mục tiêu ổn định lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Hãy cùng Vayonline247 tìm hiểu rõ việc lãi suất cho vay tại các ngân hàng

Đảm bảo tính ổn định của chính sách tiền tệ

Việc lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp sẽ giúp các ngân hàng thương mại có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay cho khách hàng bằng cách thu hẹp biên lãi ròng.

Trong Báo cáo cập nhật nhanh về thị trường tiền tệ, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, các ngân hàng trung ương các nước trong khu vực ASEAN đều tăng tốc độ mở rộng cung tiền rất mạnh kể từ tháng 3/2020 đến nay, nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn duy trì tốc độ tăng cung tiền M2 ổn định ở quanh mức 13% – 14% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với mức tăng trưởng tín dụng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tú – Chuyên gia phân tích cao cấp, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, để đối phó với dịch bệnh, NHNN đã có 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay, tiền gửi ngắn hạn trong năm 2020 nhưng không bơm tiền thêm trên thị trường mở. Lượng tiền bơm ra thị trường trong năm 2020 chủ yếu thông qua giao dịch mua vào ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối. Sang năm 2021, giao dịch ngoại tệ với NHNN chuyển sang mua kỳ hạn và có thể hủy ngang. Tính từ đầu năm đến nay, lượng tiền bơm ròng qua thị trường mở và kênh ngoại tệ đều bằng 0. “Có thể thấy việc chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn rất thận trọng và mang tính chất ổn định cao” – bà Nguyễn Thị Thanh Tú cho biết.

Trong 2 tháng gần đây, lãi suất trái phiếu chính phủ có nhích tăng từ 15  –  25 điểm cơ bản (bps) trên cả sơ cấp và thứ cấp tuy nhiên vẫn đang ở vùng thấp lịch sử. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam hiện chỉ là 2,4%/năm – chỉ cao hơn của Mỹ khoảng 70bps, mức chênh lệch thấp nhất từ trước tới nay. Bởi vậy, lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới để về mức hợp lý với mặt bằng lãi suất trái phiếu quốc tế, nhưng khó tăng mạnh, do thanh khoản các NHTM nhìn chung vẫn khá dư thừa.

“Diễn biến trong nước vẫn thuận lợi để NHNN điều hành chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp hiện tại” – bà Nguyễn Thị Thanh Tú nhấn mạnh.

Lãi suất cho vay ở hầu hết các NHTM vẫn ổn định so với thời điểm cuối năm 2020.

Kể từ cuối tháng 4/2020, sau hàng loạt biện pháp hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước như hạ lãi suất điều hành, cơ cấu lại nợ, ban hành chính sách hỗ trợ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp… chi phí vay của doanh nghiệp đã được hạ nhiệt giữa lúc tình hình sản xuất, kinh doanh còn khó khăn.

Ngoài ra, theo ông Tú Anh Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, mặc dù lãi suất huy động giảm liên tục, nhưng huy động vốn vẫn liên tục tăng và tăng vượt tốc độ tăng tín dụng khoảng hơn 2 điểm phần trăm. Điều này một mặt giúp cho các ngân hàng thương mại tăng thanh khoản và giảm chi phí vốn huy động, mặt khác cũng làm cho tốc độ tăng tổng các phương tiện thanh toán tăng nhanh, trong khi tổng cầu vẫn suy yếu. Đến ngày 28/12/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,26% so với cuối năm 2019.

Tuy vậy, vị chuyên gia cho rằng mức lãi suất cho vay hiện nay vẫn đang khá cao so với thị trường các nước trong khu vực, dao động 7-8%. “Con số này sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường. Bởi Trung Quốc, Thái Lan là những nước có lãi suất thấp hơn, các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tốt hơn”, ông Tú Anh nhận định và cho rằng giảm lãi suất là một nhu cầu cần thiết hiện nay.

Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV lại cho rằng lãi suất hiện không phải là điểm nghẽn của tín dụng cũng như của nền kinh tế. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 14,4%, trong đó các năm 2015-2017, tăng trưởng đều trên 17%. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, tín dụng chỉ tăng hơn 12% song vẫn cao hơn so với năm 2012. Thậm chí, nếu trừ đi yếu tố lạm phát, tăng trưởng tín dụng thực của Việt Nam vẫn cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực (khoảng 10%).

“Do đó, tín dụng hiện nay không phải là câu chuyện của nền kinh tế mà vấn  đề là phải đẩy nhanh sự phát triển của thị trường vốn để đa dạng hóa kênh tiếp cận cho doanh nghiệp”, ông Lực nói.

Lãi suất cho vay liệu có tiếp tục giảm

Theo số liệu của SSI Research, lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng 200 – 250bps trong năm 2020, trong đó mạnh nhất là trong quý III/2020. Trong quý I/2021, SSI Research ghi nhận một số điều chỉnh tăng/giảm từ 10 – 40bps tại một số NHTM (tập trung vào các kỳ hạn ngắn và khách hàng cá nhân), nhưng hầu hết giữ nguyên mức lãi suất tiền gửi ở mức 3 – 4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,5 – 5,5%/năm với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng và 4,6 – 6%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính đến 19/3/2021, tăng trưởng tín dụng là 1,47% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng 0,54% của tiền gửi. Bên cạnh sự dịch chuyển của dòng tiền sang các kênh đầu tư khác ngoài tiền gửi, các NHTM có thể đã chủ động giảm huy động để thu hẹp chênh lệch với dư nợ cho vay để đảm bảo mức sinh lời của ngân hàng.

Trong năm 2020, lãi suất cho vay đã giảm từ 1 – 1,5%, thấp hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi (2 – 2,5%). Nhờ vậy, biên lãi ròng (NIM) của hầu hết các NHTM đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức cao lịch sử, khoảng 4%.  Bởi vậy, “nếu lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, các NHTM sẽ có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay cho khách hàng bằng cách thu hẹp NIM về mức thông thường là 3,5%” – bà Thanh Tú cho hay.

Xem thêm: Nên vay tiêu dùng qua ngân hàng hay công ty tài chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *