P2P Lending biến tướng tìm mọi cách để vào thị trường việt

Việc các công ty cho vay ngang hàng (P2P Lending) nước ngoài biến tướng đang hoành hành tại Việt Nam đặt ra yêu cầu bức thiết về kiểm soát, quản lý mô hình mới này. Ngoài ra, P2P Lending có thể được cấp phép hoạt động chính thức sau 1-2 năm tham gia Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox). Đề án này vẫn trong quá trình đệ trình Chính phủ.

Các cơ quan chức năng liên tục đưa ra cảnh báo đỏ về P2P lending biến tướng

Theo Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ, trong bối cảnh một số quốc gia trong khu vực tăng cường quản lý hoạt động P2P Lending, thì các công ty P2P Lending nước ngoài, đặc biệt là các công ty của Trung Quốc, đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, do khung khổ pháp lý hiện hành ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động P2P Lending, nên các công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính… cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

Hoạt động của mô hình P2P Lending mang lại ảnh hưởng tích cực, nhưng nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ, thì có thể phát sinh các loại hình biến tướng, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội, đặc biệt là có thể gia tăng rủi ro nợ xấu.

“Một số đối tượng có thể lợi dụng sự biến dạng của mô hình kinh doanh chia sẻ P2P Lending kiểu như vậy để thực hiện hành vi tội phạm, bất hợp pháp (như rửa tiền, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính theo kiểu kinh doanh đa cấp…), đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân”, báo cáo này nhận định.

Nhiều P2P Lending ngoại lúp bóng ẩn mình dưới danh nghĩa người Việt

Hiện chưa có quy định pháp luật về hoạt động này, nhưng cả nước đang có khoảng 100 công ty P2P Lending. Các công ty hoạt động biến tướng, không đúng bản chất của loại hình này là kết nối người cho vay với người vay. Một số công ty lách luật thu thêm phí dịch vụ, nâng lãi suất lên tới 700%/năm.

Các công ty P2P Lending đang cấu kết với các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính, bán dữ liệu, thông tin cá nhân người vay để quảng cáo, môi giới, tiếp thị theo hình thức cho vay nặng lãi truyền thống. Trong đó, có công ty cho vay ngang hàng sau 3 năm hoạt động có tới 14.000 tổ chức, cá nhân tham gia với vai trò bên cho vay, 1,5 triệu cá nhân tham gia với vai trò người vay. Công ty có hoạt động P2P Lending đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh như dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính, môi giới tài chính nên khó kiểm soát.

Dự thảo đề xuất thí điểm P2P Lending

Theo Dự thảo xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các Fintech được tham gia thử nghiệm nằm trong các lĩnh vực thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P Lending), hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như Blockchain, hỗ trợ hoạt động ngân hàng (như chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn…).

Các doanh nghiệp tham gia Sandbox phải thoả mãn 6 tiêu chí về giải pháp Fintech như hoàn toàn chưa có hoặc một phần chưa có quy định pháp lý điều chỉnh, giải pháp sáng tạo lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam hoặc có tính sáng tạo cao, không có hoặc ít có khả năng gây ra tác động xấu tới các tổ chức tài chính nói riêng và cả hệ thống tài chính nói chung, có tính khả thi và thương mại cao….

Tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, thời gian thử nghiệm các giải pháp có thể kéo dài từ 1-2 năm. Sau đó, doanh nghiệp Fintech sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành thử nghiệm (tốt nghiệp) hoặc phải gia hạn thử nghiệm, thậm chí dừng thử nghiệm.

Sandbox kỳ vọng sẽ “dẹp loạn” app vay biến tướng

Hiện vẫn còn nhiều đánh giá và ý kiến xung quanh các nội dung được Dự thảo đề cập. Nhưng nhìn chung, theo các chuyên gia tài chính, việc nhanh chóng có cơ chế pháp lý thử nghiệm cho các dịch vụ tài chính mới không những nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn gia tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Fintech Việt, trong đó có P2P Lending.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Sandbox sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, sẽ hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng dịch vụ Fintech chưa được cho phép chính thức.

Riêng trong lĩnh vực P2P Lending, đây là một chương trình thử nghiệm có kiểm soát để cơ quan chức năng quan sát và đánh giá hoạt động của các công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending. Một công ty được phép tham gia chương trình thử nghiệm này được xem là một sự chấp thuận của cơ quan chức năng cho phép công ty này hoạt động một cách hợp lệ, ít nhất trong thời gian thử nghiệm. Những công ty hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending mà không nằm trong danh sách những công ty đang tham gia Sandbox, có thể được thị trường đánh giá thấp và có thể được xem là hoạt động “ngoài vòng kiểm soát”.

Còn theo đánh giá của ông Tạ Thanh Long, CEO của VO247 cho rằng: trên thực tế, thị trường đã xuất hiện hàng loạt công ty P2P Lending nước ngoài dưới vỏ bọc là công ty đăng ký trong nước, giám đốc thuê người Việt đứng tên và hoạt động kiểu tranh thủ trục lợi với phương thức cho vay online. Với thủ tục quá dễ dãi, thu lãi, phí khủng, tạo tâm lý và thói quen tiêu cực cho người dân. Khi khách hàng chậm trả nợ và lãi, thì doanh nghiệp P2P Lending ngoại áp dụng các biện pháp đòi nợ kiểu khủng bố người vay và người thân của họ…

Điều này tạo tâm lý tiêu cực cho xã hội, dễ dẫn tới hệ luỵ là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong lĩnh vực Fintech có thể bị ảnh hưởng trong việc phát triển dịch vụ hoặc được xét tham gia chương trình pháp lý thí điểm trong tương lai. Ông Long nói thêm và rất hi vọng VO247 sẽ là doanh nghiệp đi đầu được thử nghiệm cơ chế Sandbox để hoạt động minh bạch, đúng pháp luật, góp phần tạo nên nhiều giá trị cốt lõi cho thị trường tài chính Việt

Xem thêm: Xây dựng khung pháp lý cho fintech sẽ có trong 2021?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *